1976–1987: Hòa giải và quốc tế hóa Lịch_sử_Tây_Tạng_(1950–nay)

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra các sáng kiến liên kết với các nhà lãnh đạo Tây Tạng lưu vong, hy vọng thuyết phục họ đến sống tại Trung Quốc. Nhâm Vinh, Bí thư Đảng Cộng sản ở Tây Tạng, nghĩ rằng người Tạng ở Tây Tạng hạnh phúc dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và họ có chung quan điểm đối với những người cầm quyền Tây Tạng thời tiền Cộng sản là những kẻ đàn áp áp bức. "Đến năm 1979, hầu hết trong số ước tính khoảng 600.000 tăng ni đã chết, biến mất hoặc bị cầm tù, và phần lớn trong số 6.000 tu viện của Tây Tạng đã bị phá hủy" [71]. Vì vậy, khi các phái đoàn của chính phủ lưu vong Tây Tạng đến thăm Tây Tạng vào năm 1979–80, các quan chức Trung Quốc dự kiến sẽ gây ấn tượng với những người Tạng lưu vong bằng những tiến bộ đã từ năm 1950 và với sự hài lòng của người Tạng. Nhâm Vinh thậm chí còn tổ chức các cuộc họp ở Lhasa để kêu gọi người Tạng kiềm chế sự thù hận của họ đối với những đại diện sắp tới của một chế độ cũ. Sau đó, người Trung Quốc đã rất ngạc nhiên và xấu hổ trước những biểu hiện to lớn, đầy nước mắt của lòng sùng kính mà người Tạng dành cho những người Tạng lưu vong đến thăm. Hàng ngàn người Tây Tạng đã khóc, lễ lạy, tặng khăn quàng cổ cho những người lưu vong, và cố gắng để có cơ hội chạm vào anh trai của Dalai Lama [72].

Những sự kiện này cũng thúc đẩy Bí thư Đảng Hồ Diệu Bang và Phó Thủ tướng Vạn Lý đến thăm Tây Tạng, nơi họ cảm thấy thất vọng trước tình trạng mà họ được thấy. Hồ Diệu Bang đã công bố một chương trình cải cách nhằm nâng cao tiêu chuẩn kinh tế cho người Tạng và thúc đẩy một số quyền tự do cho người Tạng trong việc thực hành các truyền thống văn hóa dân tộc. Theo một cách nào đó, đây là sự trở lại từ chủ nghĩa độc đoán và chính sách đồng hóa cứng rắn của những năm 1960 sang các chính sách mang tính dân tộc hơn của Mao Trạch Đông trong những năm 1950, với sự khác biệt lớn là sẽ không có chính phủ Tây Tạng riêng biệt như những năm 1950 [73]. Hồ Diệu Bang đã ra lệnh thay đổi chính sách, kêu gọi phục hồi văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ Tạng, xây dựng thêm nhiều trường đại học và cao đẳng ở Tây Tạng, và gia tăng số lượng người Tạng trong chính quyền địa phương [74]. Sự tự do hóa đồng thời trong kinh tế và di cư nội địa cũng dẫn đến việc Tây Tạng có thêm nhiều lao động người Hán nhập cư hơn, mặc dù con số thực tế của nhóm dân cư này vẫn còn tranh cãi.

Các cuộc gặp mới giữa các quan chức Trung Quốc và các nhà lãnh đạo lưu vong diễn ra trong nhưng năm 1981–1984, nhưng không đạt được thỏa thuận nào [75].

Năm 1986–1987, chính phủ lưu vong Tây Tạng ở Dharamshala đã khởi động một hoạt động mới để giành được sự ủng hộ của quốc tế đối với mục tiêu của họ như là một vấn đề nhân quyền. Đáp lại, Hạ viện Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 1987 đã thông qua một nghị quyết ủng hộ nhân quyền Tây Tạng [76]. Từ tháng 9 năm 1987 đến tháng 3 năm 1989, bốn cuộc biểu tình lớn đã xảy ra ở Lhasa chống lại sự cai trị của Trung Quốc [77]. Nhà Tạng học người Mỹ Melvyn Goldstein coi bạo loạn là biểu hiện tự phát của sự phẫn nộ của người Tạng, một phần là do hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ sớm hỗ trợ hoặc gây áp lực để Tây Tạng độc lập [78]. Năm 1987, Panchen Lama đã có bài phát biểu ước tính số người chết trong tù ở Thanh Hải vào khoảng 5% tổng dân số trong khu vực [79]. Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Quan hệ Đối ngoại 1988–1989 bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân quyền Tây Tạng. Trớ trêu thay, các cuộc bạo loạn đã làm mất uy tín của các chính sách Tây Tạng tự do hơn của Hồ Diệu Bang, dẫn đến việc quay trở lại các chính sách cứng rắn; Bắc Kinh thậm chí còn áp đặt thiết quân luật ở Tây Tạng vào năm 1989. Việc tập trung vào phát triển kinh tế khiến số lượng người không phải là người Tạng đến Lhasa ngày càng tăng, và nền kinh tế ở Tây Tạng ngày càng bị người Hán thống trị. Tại Lhasa số lượng người Tạng chỉ còn bằng hoặc hơn đôi chút so với các dân tộc khác [80].

Khi Panchen Lama thứ 10 phát biểu tại Cuộc họp Ủy ban Thường vụ Khu tự trị Tây Tạng của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc năm 1987, ông đã trình bày chi tiết về việc giam cầm và giết hại hàng loạt người Tây Tạng ở Amdo (Thanh Hải): "có từ ba đến bốn ngàn ngôi làng và thị trấn, mỗi làng có khoảng ba đến bốn ngàn gia đình với bốn đến năm ngàn người. Từ mỗi thị trấn và làng mạc, khoảng 800 đến 1.000 người đã bị bỏ tù. Trong số này, ít nhất 300 đến 400 người trong số họ đã chết trong tù... Tại khu vực Golok, nhiều người đã thiệt mạng và xác của họ lăn xuống đồi thành một con mương lớn. Các binh sĩ nói với các thành viên trong gia đình và người thân của những người thiệt mạng rằng họ nên ăn mừng vì quân nổi dậy đã bị quét sạch. Họ thậm chí còn bị buộc phải nhảy múa trên những xác chết. Ngay sau đó, họ cũng bị thảm sát bằng súng máy. Tất cả đều được chôn ở đó" [81].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Tây_Tạng_(1950–nay) http://news.sina.com.cn/c/2003-08-27/1644645902s.s... http://www.stats.gov.cn/tjsj/ndsj/2007/html/B0209C... http://www.gov.cn/banshi/2005-08/21/content_25059.... http://www.china.org.cn/e-white/20011108/3.htm http://chinhdangvu.blogspot.com/2008/08/revolt-of-... http://users.erols.com/mwhite28/warstat1.htm#Mao http://www.hartford-hwp.com/archives/55/783.html http://info-buddhism.com/the_tibetans_robert_barne... http://hansard.millbanksystems.com/commons/1950/ju... http://www.phayul.com/news/article.aspx?id=18451&t...